Người mang võ Việt ra thế giới

Tự hào vì được lãnh hội phái võ cổ truyền của vùng đất Thanh – Nghệ, võ sư Ngô Xuân Bính đã dày công sưu tầm, bảo tồn và phát triển phái võ Nhất Nam và quảng bá rộng rãi ở LB Nga và các nước vùng Baltic. “Tuyên hiệu” cho một dòng võ cổ […]

30.1

Tự hào vì được lãnh hội phái võ cổ truyền của vùng đất Thanh – Nghệ, võ sư Ngô Xuân Bính đã dày công sưu tầm, bảo tồn và phát triển phái võ Nhất Nam và quảng bá rộng rãi ở LB Nga và các nước vùng Baltic.

“Tuyên hiệu” cho một dòng võ cổ không tên

Võ sư Ngô Xuân Bính xuất thân trong một gia phái võ ở thành Vinh (Nghệ An), được thân phụ và các võ sư khác vùng Thanh – Nghệ dạy từ tấm bé. Sau bao năm tháng miệt mài khổ luyện, ông đã kế thừa khá hoàn chỉnh và đầy đủ tri thức võ học cùng truyền thống thượng võ của dải đất tối cổ, có địa thế như gốc một chiếc quạt xoè rộng.

Ngày thi đậu vào ĐH Mỹ Thuật Hà Nội, ông đã mang theo những đường quyền, ngọn cước truyền bá cho các bạn học. Rồi ngày 23/10/1983, lần đầu tiên làng võ Hà Nội chứng kiến cuộc ra mắt của một phái võ nghe tên rất lạ: Nhất Nam. Ông chính là người “tuyên hiệu” cho dòng võ cổ không tên vùng Thanh – Nghệ, với mong muốn thống nhất các chi, gia phái để cùng phát huy võ cố, hy vọng quy tụ bầu, đoàn võ của vùng sông Mã, sông Lam thành một điểm võ riêng dưới trời Nam, là “một đứa con” của làng võ cổ truyền Việt Nam.

Những nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, dân tộc học … từ lâu đã tìm thấy ở vùng này (châu Á, châu Hoan cổ) bằng chứng về sự tồn tại của một dòng võ dân gian, hình thành và tồn tại từ hàng nghìn năm trước và trong cuộc đấu tranh sinh tồn với giặc giã, muông thú của dân địa phương. Theo ông Mai Văn Muôn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, dòng võ này có nguồn gốc vào loại xa xưa nhất Việt Nam và được dân gian gọi là võ “Hét” hoặc “Héc” (theo khẩu âm của người địa phương). Trong số các Tạo sĩ, Tạo toát (tiến sĩ võ) thời Lê Trung Hưng có nhiều người quê ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hoá, nhất là ở các huyện Kỳ Hoa, Tống Sơn, Thạch Hà của vùng Thanh – Nghệ, trong đó nổi bật lên là các họ võ như: Võ Tá, Nguyễn Đình, Ngô Phúc, Phạm Phúc, Văn Đình… có nhiều đời đỗ đạt cao.

Lịch sử dân tộc ta đã trải qua hàng trăm cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Khi vũ khí chưa phát triển thì võ thuật là sức mạnh vật chất có tính khởi phát giúp tổ tiên ta đánh giặc. Nhưng thắng giặc bằng cách nào, khi mà tương quan về thể lực người phương Bắc to khoẻ hơn hẳn chúng ta. Thực tế cho thấy ta không thể đối kháng với họ theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp. Muốn khắc chế được võ Tầu, người Việt cổ đã tìm ra một thế mạnh riêng, đó là tập luyện cho thân pháp cực kỳ mau lẹ, tránh né thật thuần thục rồi chọn cơ hội nhắm vào các điểm hở, yếu, hiểm của địch mà ra đòn tấn công dứt điểm. Đây chính là tinh diệu của nghệ thuật quân sự Việt Nam: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Nói như các võ sư Héc là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…. tất cả đều phải đạt đến độ quyền biến, tức tới mức thần quyền”. Do đó về kỹ thuật cần tập trung vào các thế tấn thật cơ động, có độ biến ảo cao. Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu, dòng võ này nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt trên cơ thể người và những bài thuốc chế từ cây cỏ, muông thú sẵn có ở địa phương.

Cùng với thời gian, lớp người trước truyền lớp người sau, không ngừng gạn lọc, vun bồi và phát triển môn quyền ấy thành một dòng võ đặc dị có tính quy mô và tổ chức cao với một hệ thống môn công đồ sộ, toàn diện từ quyền cước, binh khí, ám khí đến châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh, công phu luyện nội, ngoại công và lý luận về tâm, yếu pháp làm nền tảng cho người luyện tập, giao đấu và đối nhân xử thế.

Về binh khí võ Nhất Nam coi đó là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, sắc, cứng, dẻo và ảo hoạt. Các võ sư kết hợp binh khí với tính đặc dị của các thế, miếng trong các bài quyền tạo ra những bài võ binh khí khác nhau với hàng trăm nghìn thế đánh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ. Võ Nhất Nam xưa có 12 đẳng, ứng với 12 vạch, nhưng nay đã thất truyền khoảng 30 – 40 %, chỉ còn lại 9 đẳng. Lịch sử võ Nhất Nam đã trải qua bao thăng trầm, gắn với những biến động trong đời sống chính trị nước ta thời kỳ phong kiến.

Võ cổ truyền Việt Nam toả sáng ở Nga

Trở lại với sự nghiệp phục hưng di sản của võ sư Ngô Xuân Bính, sau chưa đầy 10 năm hoạt động (từ 1983 đến 1990), Võ Nhất Nam phát triển nhanh chóng tại Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ. Môn võ này cũng đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia, nhiều thế hệ học trò xuất sắc đã kế tục sứ mệnh của ông, đưa môn phái phát triển ở khắp các địa bàn.

Với tầm nhìn xa, thấy trước xu thế hội nhập, từ đầu những năm 1990 ông đã giao lại cho học trò duy trì môn phái ở trong nước, để bay sang châu Âu gây dựng, quảng bá di sản văn hoá này.

Theo võ sư Bính, võ thuật là bộ phận làm nên nền văn hoá của nhiều quốc gia. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều tích cực truyền bá môn võ của mình ra nước ngoài không ngoài mục đích tôn vinh văn hoá của dân tộc mình, tạo dựng sự hiểu biết, giao lưu để thúc đẩy phát triển đất nước.

Sau gần 20 năm phát triển môn phái ở nước ngoài, đến nay võ sư Bính trở thành Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam, đăng ký hoạt động chính thức ở LB Nga, Belarus, Litva, Ukraine… và đang trong tiến trình thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam thế giới. Tuy nhiên, người nước ngoài không chỉ biết đến ông như một võ sư, mà còn là một nhà văn hoá. Hiện ông là giảng viên triết học phương Đông tại một ĐH ở Nga, đồng thời nổi tiếng với việc chữa bệnh bằng y võ và viết các tác phẩm về thuật châm cứu, bấm huyệt.

Ngoài ra, hội hoạ vẫn là niềm đam mê lớn của ông. Trong Liên hoan nghệ thuật quốc tế “Truyền thống và hiện đại” diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại LB Nga ông đã tham dự với 12 tác phẩm và được trao giải thưởng: “Lựa chọn được bút pháp xuất sắc để thể hiện cảm thụ nghệ thuật” trong thể loại tranh sơn dầu.

Tết Nguyên đán Mậu Tý vừa qua, ông cùng gần hai chục cao đồ của ông từ châu Âu đã có chuyến hành hương về xứ Nghệ thăm đất tổ. Họ thành kính dâng hương tưởng niệm các bậc liệt tổ, liệt tông trong môn, dẫu có sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

Theo Đại Đoàn Kết

Leave Comments

0983.831.788
0983.831.788