NHẤT NAM – ĐƯỜNG ĐI CỦA MỘT MÔN VÕ THUẦN VIỆT

Ở Việt Nam hiện có bao nhiêu võ phái ? Không ai trả lời được, chỉ biết là rất nhiều. Trong rất nhiều võ phái ấy, có bao nhiêu môn võ thuần Việt, không có yếu tố nước ngoài? Cũng không ai có thể đưa ra con số chính xác, chỉ biết là rất ít. Nhất Nam là một trong số ít môn phái võ thuần Việt. Con đường đi của môn phái này đến với công chúng là một câu chuyện dài và có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết.
Đất Việt – đất võ
Từ cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt, từ những cuộc đấu tranh với ngoại xâm trong suốt hàng nghìn năm lập nước, dựng nước và giữ nước, võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ra đời, phát triển cực kỳ phong phú nhất là về mặt môn phái. Đó là chuyện tất nhiên sau những lần giao thoa với văn hóa nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc. Thế kỷ XIX trở về trước, khi sự quyết định thành bại trận mạc không bị phụ thuộc vào súng đạn, các nhà nước phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng võ thuật. Võ thuật được phát triển mạnh mẽ, thậm chí quan triều đình còn được cử vào trong dân để mở các lớp dạy võ phòng khi xảy ra chiến tranh có thể huy động được lính ngay mà không cần phải huấn luyện nhiều. Những võ ban được mở ra bên cạnh văn ban, những kỳ thi võ ở địa phương rồi trung ương được tổ chức để tuyển chọn nhân tài cho quân đội…
Không biết bao nhiêu môn phái đã ra đời trong thời gian này và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Trong đó có không ít môn phái từ những phái võ gốc Trung Quốc, từ sự tích hợp, dung hòa của cả võ Việt với võ thuật Trung Quốc…Tuy nhiên vẫn có những môn phái thuần Việt phát triển cùng, nó tồn tại trong các làng quê, dòng họ. Ở đó, người ta học võ không để tiến thân mà để rèn luyện cơ thể, tham gia lễ hội dân gian, làm việc nghĩa, chống cường bạo và cao hơn cả là để giúp nước một khi có giặc ngoại xâm.
Theo dòng thời gian, võ thuần Việt với các môn phái mà hạt nhân là các gia phái luôn tiềm ẩn sức sống dai dẳng bất chấp những biến động của thời cuộc, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau theo lối mật truyền. Chỉ đến những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi hội nhập quốc tế là điều buộc phải làm để tái thiết đất nước, thể thao cũng tham gia các giải quốc tế kéo theo sự phát triển những môn võ có trong các đại hội thể thao quốc tế, các môn phái được Nhà nước thừa nhận như một tổ chức quần chúng xã hội, từ đó võ thuật mới có dịp đến với đông đảo quần chúng. Nhất Nam đến với mọi người trong hoàn cảnh như vậy.
“Võ Hét” buổi đầu tại Hà Nội
Không ai biết chắc chắn rằng ai là ông tổ của võ Nhất Nam, cũng như không ai biết được ai là người sáng tác ra tuồng, chèo, quan họ. Chỉ biết rằng gốc tích của võ Nhất Nam là tại vùng châu Hoan, châu Ái cổ (Thanh Hóa, Nghệ An bây giờ) và đã có hàng ngàn năm nay. Dân gian gọi dòng võ này là võ Hét hoặc Héc (theo khẩu âm của người dân địa phương).
Thời nhà Hồ, bởi hiệu quả sát thương cao nên võ Hét được sử dụng ở chốn cung đình để bảo vệ vua chúa. Những bậc cao niên tiền bối của môn phái còn kể mãi cho thế hệ sau chuyện nhiều võ sỹ võ Hét đã gia nhập vào đoàn quân của Hoàng đế Quang Trung khi ông đi qua đất Thanh – Nghệ để tuyển quân, chuẩn bị tấn công thành Thăng Long. Nhiều võ sỹ của môn phái trong những trận huyết chiến đã hy sinh vì nghiệp lớn để rồi sau này cả phái võ Nhất Nam lấy ngày 5 tháng Giêng hàng năm làm ngày giỗ tổ môn phái.
Thời Gia Long, những võ sỹ võ Hét từng tham gia quân Tây Sơn bị truy sát. Nhiều võ đường bị đóng cửa, các môn đệ võ Hét tỏa vào trong dân để rồi võ Hét tồn tại dưới dạng gia phái. Họ Ngô Xuân ở thành Vinh là một trong những hậu duệ gia phái Nhất Nam ngày ấy.
“Nhất Nam” là tên gọi được đặt bởi võ sư Ngô Xuân Bính với mong muốn thống nhất, đồng nhất các chi phái, cùng hướng về cội nguồn, hy vọng quy tụ bầu đoàn võ thuật vùng sông Lam, sông Mã thành một phái võ riêng dưới trời Nam, là một đứa con của làng võ Việt Nam…Cũng có thể hiểu, Nhất Nam không phải là nhất trong các môn võ ở nước Việt Nam (điều từng khiến nhiều người võ phái khác hiểu lầm khi nhắc tới cái tên Nhất Nam) mà đơn giản chỉ bao hàm ý nghĩa đây là môn võ thuần nhất của người Việt, không pha tạp, lai căng.
Võ sư Ngô Xuân Bính sinh ra ở Vinh nhưng lại truyền dạy võ Nhất Nam bắt đầu ở Hà Nội. Những thế hệ đầu tiên tập võ Nhất Nam tại Hà Nội kể rằng, ngay từ lúc theo học tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ông Ngô Xuân Bính đã dạy võ cho các bạn đồng lứa. Dạo ấy là cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước. Rồi sau đó là những lứa học trò khác.
Nhiều người theo đuổi Nhất Nam đã chọn thời điểm tập võ là… 3h sáng tại công viên Thống Nhất đến khi gà gáy là dừng tập. Có nhiều người dân đi tập thể dục sớm nghe tiếng hét của những môn đệ Nhất Nam đã bảo rằng trong công viên có ma. Sau nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội, kể cả biểu diễn trực tiếp của võ sư Ngô Xuân Bính trước các nhà quản lý thể thao thành phố, Nhất Nam được chính thức thừa nhận và được phát triển rộng rãi ở đất Hà thành. Lễ ra mắt làng võ Hà Nội của Nhất Nam vào ngày 23-10-1983 tại Nhà thi đấu Hà Nội.
Hôm ấy khán đài đã không ngớt tiếng vỗ tay trước những màn biểu diễn của những võ sinh đóng khố, mình trần của Nhất Nam. Khi ấy, võ sư Ngô Xuân Bính đang là trợ giảng tại Cao đẳng SP nhạc hoạ TW. Vừa theo nghề giáo vừa căng mình đi mở lớp dạy Nhất Nam cùng các học trò, nỗ lực của ông và các môn đệ cũng được đền đáp. Người theo tập Nhất Nam đông, có lúc lên tới 3 vạn ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Riêng ở Hà Nội, ở đâu cũng dễ dàng gặp các CLB Nhất Nam…
(Bài đăng trên Báo Hà nội mới 13 tháng 10 năm 2008)

Leave Comments

0983.831.788
0983.831.788